Tết Trung thu Hàn Quốc tìm hiểu những điều thú vị về lễ Chuseok
3773 0
Thu đến cũng là báo hiệu Hàn Quốc chuẩn bị đón một ngày Tết vô cùng đặc biệt, đó là Tết trung thu. Tết trung thu Hàn Quốc được gọi là tết Chuseok, là một ngày lễ quan trọng trong năm. Vậy bạn có biết ý nghĩa Tết trung thu, nguồn gốc Tết trung thu cũng như Tết trung thu ngày mấy ở Hàn Quốc không? Hôm nay, hãy cùng Sunny tìm hiểu về Tết trung thu của người Hàn Quốc nhé!
Giới thiệu về Tết trung thu Hàn Quốc
Lễ Chuseok là gì?
Nếu tại Việt Nam, Tết trung thu là một ngày lễ cho thiếu nhi thì lễ hội trung thu Hàn Quốc lại là một lễ hội đặc biệt dối với người dân xứ sở Kim Chi. Đây là ngày tết lớn thứ nhì trong năm tại Hàn chỉ sau Tết Nguyên Đán – Tết âm lịch.
Chuseok (추석), là tên gọi ngày Tết trung thu Hàn Quốc, với âm Hán Việt là Thu tịch, tức đêm thu – đêm trăng rằm đẹp nhất vào tháng 8 âm lịch. Chuseok còn có tên là Hangawi (한가위), “Han” có nghĩa là lớn và “gawi” là ngày rằm tháng 8.
Lễ hội Trung thu là một dịp lễ lớn của người Hàn Quốc
Vào ngày này, các công ty, trường học đều đóng cửa vì Tết trung thu được Hàn Quốc công nhận là một trong những ngày nghỉ lễ chính thức trong năm. Vì vậy, mọi người dân Hàn Quốc đều đặc biệt coi trọng dịp lễ này, tất cả những người con làm ăn, học tập xa xứ đều cố gắng thu xếp về đoàn tụ gia đình vào dịp trung thu.
Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết trung thu
Tục ngữ Hàn Quốc có câu: “Nông dân tháng 5, thần tiên tháng 8” (5월 농부 8월 신선), có nghĩa là vào tháng 5, người nông dân thường vất vả, chân lấm tay bùn cho một mùa màng mới nhưng đến tháng 8, khi mùa màng dần bước vào giai đoạn thu hoạch thì có thể nghỉ ngơi thoải mái như thần tiên.
Quan điểm phổ biến nhất về nguồn gốc Tết trung thu là từ lễ hội mừng vụ mùa bội thu và tín ngưỡng thờ cúng tạ ơn tổ tiên. Ở nhiều nước nông nghiệp thuộc khối văn hóa Á Đông như Hàn Quốc, tháng 8 Âm lịch là lúc kết thúc vụ mùa trong năm, thời điểm các gia đình đều ấm no, sung túc sau thu hoạch.
Những thành quả gặt hái từ vụ mùa mới sẽ được dâng cúng cho thần thánh trong làng và tổ tiên để tỏ lòng biết ơn tổ tiên đã phù hộ cho một mùa màng bội thu, đồng thời cũng cầu mong những điều may mắn trong nông vụ sắp tới. Đó chính là ý nghĩa ngày Tết trung thu của Hàn Quốc.
Mâm cơm cúng truyền thống vào Trung thu của Hàn Quốc
Hơn nữa, hầu hết lương thực sử dụng cho mùa đông lạnh giá đều được người dân Hàn chuẩn bị dự trữ từ mùa thu. Phổ biến nhất là những món muối và đồ ăn kèm (panchan) như kim chi.
Ngoài ra, theo lịch sử Tết trung thu, Chuseok còn có tên gọi khác là Gabae (가배) – Ngày Gia bài. Gắn với phong tục tương truyền từ thời Shinla, cứ ngày rằm tháng Tám, nhà vua sẽ tổ chức cuộc thi dệt vải cho các công chúa trong cung điện, ai thua sẽ phải chuẩn bị các tiết mục múa hát và các món ăn. Đến nay, vẫn có một số cuộc thi dệt ở Hàn Quốc được tổ chức vào ngày tết này.
Ngoài ra, để tìm được minh chứng xác thực cho câu hỏi “Người Hàn Quốc cổ đại tổ chức trung thu vào ngày nào?”, đã có nhiều nghiên cứu khảo cổ được đề ra. Kết quả của những nghiên cứu này chỉ ra rằng ngày lễ truyền thống Chuseok được tìm thấy qua tín ngưỡng cổ xưa xung quanh mặt trăng và được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch – khi lễ hội mùa thu hoạch diễn ra vào ngày trăng tròn.
Những hoạt động trong lễ hội trung thu Hàn Quốc hiện nay
Tết trung thu ở Hàn Quốc luôn là dịp thu hút lượng du khách quốc tế đông đảo bởi họ muốn được trực tiếp trải nghiệm những nét văn hóa, phong tục độc đáo của người dân Hàn Quốc trong dịp lễ này.
Tết trung thu Hàn Quốc chính là dịp thể hiện rõ nhất nét đặc trưng trong đời sống tinh thần của người dân ở xứ sở Kim Chi. Đặc biệt, bạn còn có cơ hội tham gia rất nhiều trải nghiệm thú vị mà chỉ có ở lễ hội Chuseok mới có.
Nghi lễ thờ cúng tổ tiên trong ngày đầu của lễ Chuseok
Nghi lễ thờ cúng tổ tiên thường diễn ra trong ngày đầu tiên của lễ trung thu Hàn Quốc.
Trung thu là dịp Tết đoàn viên của Hàn
Trong xã hội hiện đại, Tết trung thu Hàn Quốc được xem như dịp đoàn tụ đại gia đình vô cùng quan trọng. Vì vậy, vào ngày đầu tiên diễn ra lễ Chuseok, toàn bộ các thành viên trong gia đình sẽ tề tựu đầy đủ và thực hiện các nghi lễ tưởng niệm cúng bái tổ tiên theo nghi thức tại gian nhà chính. Kết thúc nghi lễ, các con cháu sẽ cùng nhau hưởng lộc do tổ tiên ban cho để lấy may.
Nghi thức Beolcho (벌초 – Bách thảo) và Seongmyo (성묘 – Tảo mộ)
Vào Tết trung thu Hàn Quốc, người dân sẽ ra mộ dọn cỏ và cúng bái, các gia đình sẽ cùng đến thăm phần mộ của tổ tiên, dọn dẹp và cắt tỉa cỏ dại khu vực xung quanh mộ. Tập tục này gần giống với phong tục tảo mộ vào tiết Thanh minh của người Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán.
Nghi thức tảo mộ thể hiện lòng biết ơn của người dân Hàn Quốc đối với tổ tiên
Sau khi dọn dẹp mộ phần, một mâm lễ gồm thức ăn, đồ uống truyền thống sẽ được dâng cúng lên tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn. Ý nghĩa quan trọng nhất của nghi thức Beolcho (벌초 – Bách thảo) và Seongmyo (성묘 – Tảo mộ) là thể hiện đạo lý nhớ nguồn và lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên.
Một số trò chơi truyền thống dịp trung thu Hàn Quốc
“Người dân Hàn Quốc trong ngày lễ Trung thu chơi trò gì?” Đây là thắc mắc của rất nhiều bạn khi tìm hiểu về dịp lễ này.
Chuseok là dịp người dân Hàn thường xuyên tổ chức các các trò chơi trung thu truyền thống như kéo co (Juldarigi) hay đấu vật (Ssireum). Các trò chơi truyền thống luôn là các hoạt động diễn ra thường niên trong lễ hội trung thu của Hàn Quốc. Những trò chơi này đều đã có từ lâu và được lưu giữ đến tận ngày nay, chứa đựng nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Hàn Quốc.
Ssireum (씨름) – Đấu vật
Đấu vật là trò chơi được các chàng trai yêu thích để thể hiện sức mạnh của mình. Các cuộc thi đấu thường được tổ chức trên bãi cỏ hoặc trên bãi cát mềm, theo hình thức loại trực tiếp. Người trụ lại đến cuối cùng sau bao nhiêu đối thủ chính là người chiến thắng và được tôn vinh là Jangsa (장사 – tráng sĩ) cùng rất nhiều các giải thưởng của dân làng.
Juldarigi (줄다리기) – Kéo co
Tương tự như trò kéo co ở Việt Nam, Juldarigi là trò chơi phổ biến dành cho mọi lứa tuổi. Số người được phân chia đồng đều thành các đội cùng thi với nhau. Số người tham gia càng đông thì sợi dây càng dày, càng to và thời gian thi càng dài.
Kéo co là một trò chơi đặc trưng của tết Trung thu Hàn Quốc
Không khí lễ trung thu Hàn Quốc như rộng ràng hơn bởi tiếng trống dồn dập, tiếng hò hét, tiếng cười vang của cả người tham gia và những người hồi hộp theo dõi trận đấu này.
Ganggangsullae (강강술래) – Điệu múa truyền thống dịp Chuseok
Ganggangsullae là trò chơi truyền thống được truyền lại từ những người phụ nữ thuộc tỉnh Seonam Haean. Đây được coi là điệu dân vũ tiêu biểu nhất trong ngày Tết trung thu Hàn Quốc.
Dưới ánh trăng đêm rằm trung thu, những người phụ nữ trong làng sẽ mặc những bộ Hanbok đẹp nhất, tập hợp ở một bãi đất rộng, nắm tay thành vòng tròn để vừa hát vừa nhảy múa trên nền của những điệu dân ca hay hát những bài hát về trung thu.
Điệu múa Ganggangsullae này mang nhiều tầng ý nghĩa. Hìnhh tròn được những người phụ nữ nắm tay tạo thành được ví như hình ảnh vầng trăng ngày rằm. Mà trong xã hội nông nghiệp, đây là biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở, tương đồng với chức năng và biểu tượng sinh sản, gieo mầm và phát triển sự sống của người phụ nữ.
Cũng vì lý do này, ngày mãn nguyệt (ngày trăng tròn) còn được ví như người phụ nữ đến kỳ “khai hoa nở nhụy”. Trò chơi Ganggangsullae trong ngày rằm là sự thăng hoa, là bài ca về cái đẹp của thiên nhiên và người phụ nữ.
Tranh vẽ điệu múa Ganggangsullae truyền thống
Điệu múa này vẫn được lưu giữ đến nay và được biểu diễn ở rất nhiều trên đất nước Hàn Quốc, đặc biệt vào dịp lễ trung thu Hàn Quốc. Nếu là một du khách đến Hàn Quốc vào dịp Tết trung thu Chuseok, bạn hoàn toàn có thể ngắm nhìn và thậm chí trực tiếp trải nghiệm điệu dân vũ này ngay tại một số tụ điểm văn hóa ở Thủ đô Seoul.
Các món ăn tiêu biểu Tết trung thu Hàn Quốc
Tết Trung thu Hàn Quốc có rất nhiều loại bánh trái và đồ ăn khác nhau. Trong số đó có những món ăn truyền thống đặc trưng dưới đây chắc chắn sẽ không thể thiếu trong lễ hội Trung Thu của người Hàn.
Bánh Songpyeon
Đây là món bánh truyền thống không thể thiếu trong ngày lễ Chuseok. Giống như bánh nướng, bánh dẻo của Việt Nam, bánh Songpyeon được coi như bánh trung thu Hàn Quốc. Bánh này được làm từ nguyên liệu bột gạo mới với phần nhân là các loại đậu đỏ, vừng bên trong và thường được nặn thành hình bán nguyệt.
Chuseok còn được gọi là ngày tết của các loại bánh. Từng địa phương khác nhau đều có những phương thức và nguyên liệu làm bánh khác nhau, tuy nhiên hầu hết đều sử dụng loại ngũ cốc tươi mới được thu hoạch để tạ ơn đất trời, tổ tiên đã ban cho một vụ mùa bội thu.
Bánh Songpyeon là bánh Trung thu của Hàn Quốc
Truyền thuyết xưa kể rằng, cô gái nào có bàn tay khéo léo làm ra chiếc bánh Songpyeon đẹp nhất sẽ gặp được ý trung nhân đời mình. Đến nay, trong ngày lễ Chuseok, các thành viên trong gia đình cũng thường xuyên quây quần bên nhau cùng nặn bánh và chọn ra người làm ra chiếc bánh đẹp nhất trong tiếng cười đầm ấm vui vẻ.
Bánh gạo Hangwa
Bánh gạo Hangwa
Bánh gạo Hangwa được làm từ bột gạo, mật ong, hoa quả, rễ cây và chất tạo màu tự nhiên. Món bánh gạo này có hương vị ngọt dịu, thanh mát, thường được dùng cùng với trà nóng. Ngoài bánh Songpyeon thì Hangwa cũng là một món bánh được các gia đình tự tay chuẩn bị vào dịp Trung thu.
Bánh kếp Jeon
Bánh kếp Jeon
Khác với 2 loại bánh thanh mát trên, bánh kếp Jeon được làm từ bột loãng trộn với rau củ rồi mang chiên lên. Tuỳ từng gia đình, vùng miền mà các nguyên liệu làm bánh có thể khác nhau một chút. Đây cùng là món bánh không thể thiếu trên bàn ăn của các gia đình trong ngày rằm tháng 8.
Món canh khoai sọ Toranguk
Toranguk là một món canh thanh đạm nhưng rất bổ dưỡng, thích hợp để thưởng thức vào mùa thu. Canh Toranguk gồm khoai sọ thường được ninh cùng với ức bò hoặc gân bò. Đây là món ăn thường thấy trong các bữa cơm dịp lễ trung thu Hàn Quốc.
Canh khoai sọ Toranguk
Miến trộn rau củ Japchae
Miến trộn rau củ Japchae
Japchae là món ăn quen thuộc trong nhiều dịp lễ như sinh nahạt, Tết Nguyên đán và cả Tết Trung thu. Món miến trộn này được làm từ thịt, các loại rau củ thái dạng sợi, rau cải và gia vị trộn kèm, tất cả tạo nên một món ăn rất ngon miệng.
Sườn hầm rau củ
Sườn hầm rau củ
Món sườn này có hương vị rất hấp dẫn khiến bạn chỉ nhìn thôi cũng đủ “thèm khát”. Nguyên liệu được sử dụng để làm sườn hầm rau củ có sườn heo hoặc sườn bò, các loại rau củ như khoai tây, cà rốt, hạt dẻ, nấm… Những nguyên liệu này được ướp gia vị và cho vào nồi hầm cùng nhau đến khi nước đặc lại, khi ăn hương vị vô cùng đậm đà.
Kim chi nước củ cải Dongchimi
Kim chi nước củ cải Dongchimi
Kim chi dường như đã trở thành linh hồn của ẩm thực Hàn Quốc. Vì vậy, ngày lễ lớn như dịp Trung thu thì không thể thiếu món ăn này. Kim chi nước củ cải Dongchimi cũng là một loại kim chi. Vào ngày Tết Trung thu, người Hàn sẽ ăn món kim chi nước củ cải với vị chua ngọt này để cân bằng lại độ ngấy khi ăn các món chiên xào khác.
Rượu Baekju
Rượu Baekju là thức uống không thể thiếu của người dân nơi đây trong dịp tết Trung thu. Những bữa ăn quây quần bên nhau của các gia đình trong Tết trung thu Hàn Quốc thường không thể thiếu một loại thức uống quen thuộc đó là rượu Baekju (백주 – Bạch tửu).
Loại rượu này được làm từ gạo mới và thường được mang ra mời khách vào dịp lễ đặc biệt. Tuy nhiên cũng có nhiều nơi chọn sử dụng loại rượu thông thường là Soju.
Rượu Baekju
Thịt bò xào Bulgogi
Thịt bò Bulgogi
Nếu những món mặn, cay trên làm bạn cảm thấy thèm một món ăn có vị khác mới lạ hơn thì bò xào Bulgogi là một sự lựa chọn tuyệt vời. Thịt bò Bulgogi được ướp ngọt rồi xào cùng với hành tây, cà rốt,… Món này có thể ăn chung với cơm trộn, cơm rang hoặc cuốn với các loại rau giống như ăn thịt nướng.
Trên đây là tất cả những thông tin bổ ích cần biết về trung thu ở Hàn Quốc năm 2022 mà Sunny muốn giới thiệu đến các bạn. Nếu có cơ hội, hãy đến thăm đất nước Củ Sâm này vào dịp trung thu và trực tiếp hòa vào không khí của một trong những lễ hội lớn nhất Hàn Quốc nhé!