Bài dự thi “Tôi của năm Covid thứ nhất” – Nguyễn Thị Nguyệt Đức

934 0

Rate this post

Đại dịch covid-19 bắt đầu từ tháng 4/2020, khi tôi đang chuẩn bị cho một công việc mới thì nghe tin báo đành phải ngưng ngay.

Quanh năm tôi chỉ làm vài công việc thời vụ, bán thời gian nên có lẽ không ảnh hưởng gì lắm, nhưng đối với những người khác thì covid-19 là một nỗi ám ảnh kinh hoàng: không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mỗi người mà còn sự nghiệp, công việc mà mọi thứ trong cuộc sống của họ, những người có có mối liên kết chặc chẽ với xã hội và đang mưu sinh nhờ nó.

Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, du lịch, giáo dục và các công ăn việc làm khác trên toàn cầu nhưng đánh mạnh vào các loại ngành giải trí như và các địa điểm tụ tập đông người.

Sau đây là những suy nghĩ mà tôi đúc kết được trong năm 2020 vừa qua.

 

Về ý nghĩa trong kinh thánh, tôi cảm thấy Covid-19 tựa như một tai họa giáng xuống trần gian theo lời dự đoán trong Cựu ước. Trước đó, thế giới đã phải chịu đựng những sai lầm khác của con người như: cơn hỏa hoạn vào đầu năm 2020 – những con khỉ bị chết cháy do tai nạn đốt pháo vào đêm giao thừa tại Đức hay nạn cháy rừng ở Úc, khiến vài người chết và biết bao nhiêu con thú đáng thương phải bỏ mạng. Tôi đã từng rất thích pháo bông và háo hức trông chờ năm mới đến trong đêm giao thừa nhưng những ký ức tệ hại về chúng khiến tôi không còn vui được nữa, vì tôi rất yêu động vật và môi trường. Tôi không cầm được nước mắt khi nhìn thất những con Kanguru bị chết cháy hay bị tróc da, thương tích đầy mình mà van nài người qua đường cho nước uống.

 

Vào giữa tháng 4, khi đang thực hiện một chuyến công tác vào Sài Gòn, định về ngay sau vài ngày thì tôi buộc phải ở đó mất hai tháng, ở nhờ nhà một người cô trong thời gian cách ly. Định đi làm kiếm tiền thành ra lại mất thêm tiền. Nhưng trong cái xui tôi cung ráng kiếm niềm vui xung quanh, chưa bao giờ tôi thấy Sài Gòn đẹp và vắng lặng đến vậy lại không bị kẹt xe, đèn hai bên đường hạn chế mở nên tối tối, mờ ảo như thành phố cổ.

Lần đầu tiên tôi thấy lịch sử loài người phải chung tay thực hiện một cuộc cách mạng để đẩy lùi dịch bệnh mà không cần phải hoạt động lao lực, chỉ ở nhà, cách ly, giãn cách và vài điều khác.

Nhưng tôi vẫn nhìn thấy con người tụ tập trên các đường phố, chứng tỏ “khuyến cáo” vẫn chưa là hành động mạnh mẽ, chắc họ đợi nhà nước phải “cấm” và phạt thì mới chịu nghe lời.

Thực chất, virut Covid-19 có khả năng chữa trị và  không khó phòng tránh, chỉ vì nó quá dễ lây lan và nhanh chóng ảnh hưởng đến tính mạng nếu không cứu chữa kịp thời. Nguyên nhân chính dẫn đến lây lan dịch bệnh cũng do sai lầm của loài người: thiếu ý thức, thiếu kỷ luật và trách nhiệm.

Khi tình hình dịch bệnh phức tạp, những người liên quan trốn tránh khai báo y tế hay không trung thực, ít thực hiện nghiêm túc các nội quy về dịch bệnh. Ngoài ra, một số người đang trong trại cách ly lại trốn ra ngoài, khiến cho dịch bệnh ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Về kỷ luật, con người quá quen với các hoạt động ngoài xã hội, ít khi ở nhà nên khi đại dịch ập đến kèm theo những luật lệ xung quanh nó, họ sẽ cảm thấy như mọi thứ trong cuộc sống đóng sầm ngay trước mắt, hơn nữa Covid-19 cứ mãi kéo dài không ai biết khi nào mới kết thúc, cuộc sống không còn như trước con người sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu, chán nản vì bị giam hãm trong nhà. Khi tôi nghe nhiều người than phiền vì phải ở nhà cách ly, thì thầm nghĩ:

“Cả đời đã được đi chơi, sao cứ phải đi ra ngoài chơi hoài mới chịu?”

Hầu hết sau giờ làm việc tôi chỉ ở nhà, chọn những thú vui giản dị như vẽ tranh, thưởng thức cafe, nghe nhạc, xem phim. Có thể tôi quá khác số đông để hiểu họ hay họ hiểu tôi nhưng tôi nghĩ khi đối diện với mọi vấn nạn, chúng ta phải hạ thấp các quyền lợi của bản thân vì lợi ích cộng đồng. Còn nếu những ai nôn nóng trong công ăn việc làm thì buộc phải kiên nhẫn, sẵn sàng bắt kịp hiểu biết trong thử thách, chấp nhận và chấp hành, nếu không giữ tốt sức khỏe bản thân mỗi người thì sự nghiệp cũng chẳng quan trọng.

Trước khi có dịch bệnh, tôi để ý vài điều: Những ai có thói quen đeo khẩu trang, mang găng tay, rửa tay thường xuyên thì bị cho là lập dị hay sạch sẽ thái quá.

Mọi người hời hợt với những quy định như: rửa tay, đeo khẩu trang, che miệng khi hắt xì, kể cả tránh ăn uống chung và các quy định khác. Những việc làm tối thiểu này không những bảo vệ chúng ta khỏi các bệnh lây lan qua đường hô hấp, ăn uống mà còn là những hành động đẹp, văn minh lịch sự.

Cá nhân tôi khi đôi lần từ chối ăn uống chung hay “ép bia” tại các buổi liên hoan thì bị chê trách là kiêu ngạo, không biết “kính trên nhường dưới” và tệ trong giao tiếp.

Trong xã hội, chúng ta hay nhâu nhẹt, ăn uống chung đụng với người lạ, khách hàng, đồng nghiệp ở các đại tiệc như đám cưới, hội nghị, ma chay đám dỗ, nghe có vẻ như là những thói quen thân thiện hoặc xã giao nhưng hóa ra lại không tốt, vô tình lây lan cho bản thân và người nhà, con trẻ các bệnh thông thường như cảm cúm và nguy hiểm hơn là vài bệnh truyền nhiễm vô cùng đáng sợ như H.bylori, bệnh viêm gan A,E và các bệnh dạ dày khác.

Trong khoảng thời gian đó, tôi nhớ nhà lắm! vả lại nơi xứ lạ quê người tôi không biết làm gì hay lên kế hoạch cho cuộc sống của mình. Tôi mua liền hai vé máy bay mà vẫn bị từ chối, đến khi người nhà đi xe hơi vào rước về thì tôi mới được giải phóng.

 

Nói sơ về tình hình chung của thế giới, đại dịch Covid-19 giúp tôi ngộ ra nhiều điều.

Các nước Đông Nam Á tránh dịch tốt hơn, thứ nhất thuận lợi về nhiệt độ: virut Covid-19 thường sống ở nhiệt độ thấp và ẩm, không quá 25 độ C. Thứ hai, có vẻ các nước kém phát triển gắn kết tuân thủ luật lệ nên tránh dịch tốt hơn. Ngoài các quy định chung phòng tránh covid-19 khi chưa có vaccin, họ chịu khó thực hiện thêm các mẹo dân giân khác như: uống trà gừng ấm, súc nước muối mỗi ngày, đeo tấm nhựa chống dịch, đặt các buồng khử trùng công cộng..

Nổi bật và kinh ngạc nhất vẫn là Việt Nam, tôi cảm thấy tự hào về Việt Nam và cho rằng: “chưa xảy ra chiến tranh thì chưa tìm thấy anh hùng.”

Trước đây, Việt Nam là một trong những đất nước nhiều khách Trung quốc đến nỗi đi đâu tôi cũng gặp, và sau khi Covid-19 đến, không còn một bóng người nào, có chăng là những người đã sống lâu năm ở đây.

Vì sao? Vì Việt Nam nỗ lực trong các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ngay từ đầu. Quyết liệt ngăn chặn và nhanh chóng hành động mỗi khi dịch bệnh bùng phát. Khiêm nhường, từ tốn trong từng bước nhưng lại hiệu quả.

Tôi cho rằng các nhân viên y tế là những người hùng. Mỗi khi xuất hiện ca nhiễm, người khổ cực nhất là những bác sĩ và nhân viên y tế, họ túc trực tại bệnh viện, lên tinh thần sẵn sàng làm việc quên giờ giấc, có khi còn bị nghi nhiễm bệnh, phải cách ly và không được sinh hoạt với môi trường bên ngoài hay được gặp gia đình, con cái. Không cần nhìn đâu xa, họ đã là những tấm gương cao quý, âm thầm hy sinh, cống hiến vì lợi ích cộng đồng.

Mặc dù cũng có một vài tin tức không hay về Việt Nam trong khoảng thời gian xảy ra dịch, ví dụ như lời than phiền của các việt kiều về nước, sự lạm giá của khách sạn trong thời gian cách ly nhưng suy cho cùng, các bạn phải cảm ơn vì những gì nước nhà đã làm cho ta trước tiên. Hơn hết từ xưa giờ, Việt Nam vẫn luôn là một tấm gương sáng về những giá trị tốt dẹp mỗi khi đứng trước thử thách.

Trong khi ấy, số lượng ca nhiễm tăng nhanh ở các nước Châu Âu và thê thảm nhất là Mỹ. Câu hỏi tại sao được đặt ra?

Họ quá quen với lối sống tự do, phóng túng. Và một điều khó bắt ép họ làm là mang khẩu trang. Trước Covid-19, ngoài các nhân viên y tế, tôi chưa thấy người dân nào trong các nước Phương Tây mang khẩu trang (Chỉ có Michael Jackson).

Không chịu ở nhà, thích tụ tập vui chơi, thờ ơ với mọi lời cảnh báo. Tại một đất nước đang có lượng ca nhiễm cao nhất thế giới như Mỹ, tôi vẫn nhìn thấy những bữa tiệc lớn trong bar được phát sóng trực tiếp trên Instagram và những người dự tiệc, không một ai mang khẩu trang.

Vậy tất nhiên, số lượng ca nhiễm giảm nhiều hay ít tùy thuộc vào đạo đức, kỷ luật và cách sống của mỗi quốc gia. Trước giờ khi nước ta luôn luôn phải cố gắng bắt kịp nền văn minh Phương Tây thì sau đại dịch này, tôi nghĩ chắn chắn họ phải học hỏi đất nước ta nhiều.

Nếu chúng ta nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch khi chưa kịp có vaccine, tôi nghĩ tình hình dịch bệnh trên thế giới sẽ được cải thiện ngoài sức tưởng tượng.

Nhưng từ “giá như” hay sự nuối tiếc nào cũng đều là vô ích, tốt hơn chăng là nên biến nó thành những kinh ghiệm và bài học cho tương lai.

 

Cá nhân tôi thấy trước khi xảy ra dịch bệnh có quá nhiều các hoạt động giải trí. Hàng loạt các quán karaoke, nhà hàng, địa điểm vui chơi, biệt thự, khách sạn mọc lên hằng năm, gây ồn ào bất kể giờ giấc và ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân xung quanh. Ngoài ra còn là nguồn cơn của nhiều loại tệ nạn và gây mất trật tự.

Tôi hiểu sau giờ làm việc cần giải trí nhưng cũng nên biết điều tiết. Khi mọi thứ chỉ ở mức vừa đủ, loài người sẽ nhận thức được ý nghĩa của cuộc sống bình dị và gần gũi hơn với môi trường.

Những hành động vô ý thức của loài người trên thế giới từ trước giờ đã tác động xấu đến môi trường như: săn bắn, xả rác gây ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là nạn phá rừng. Và sau khi xảy ra dịch bệnh, mọi thứ hành vi trên đã giảm đáng kể, không khí cũng trong lành hơn nhờ biện pháp giãn cách, ít tụ tập hay bớt các hoạt động giao thông, nhà máy. Năng lượng điện từ các khu trung tâm giải trí cũng được tiết kiệm, giảm bớt sự nóng dần của trái đất.

 

Người Trung Quốc có mặt khắp nơi trên thế giới, sau khi Covid-19 xảy ra họ gần như biến mất. Hầu hết tất cả đều ghét họ, vì sao?

Trước nhất, Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán, một tỉnh ở Trung Quốc và sau đó lan nhanh khắp thế giới. Người Trung Quốc được cho là mầm mống của dịch bệnh. Tôi từng nghe nhiều người bảo đại dịch này là chiêu bài chính trị mà Trung Quốc nhắm vào Mỹ, thế nên ca nhiễm ở Mỹ mới tăng cao nhất thể giới nhưng sự thật này, không ai biết rõ.

Lý do tiếp theo, vì nhiều mâu thuẫn không hay xảy ra trước đây giữa Trung Quốc và Việt Nam hay với các nước khác.

Một điều nữa mà ai cũng biết, dân Trung Quốc đi đến đâu thì sự bình yên, vắng lặng của địa điểm đó biến mất.

Tôi không bao giờ chạy theo số đông như xu hướng ghét người Trung Quốc, cá nhân tôi cảm thấy họ cũng khá thân thiện, mộc mạc song cũng hiểu lý do vì sao người ta ghét họ, họ quá nhiều và rất ồn ào. Tuy nhiên, không thích một ai đó là không thích tính cách đó, tránh là tránh điều xấu và nếu giúp cho họ nhận ra để thay đổi thì tốt hơn, chứ ghét cả một đất nước Trung Quốc và mặc nhiên tất cả đều xấu thì việc thù hằn này rất đáng lo ngại.

Có rất nhiều phong trào xảy ra trong năm 2020, nào là “Black live matter” và bây giờ là “Stop Asian hate”. Có rất nhiều loại phân biệt trong thế giới chúng ta sống: đen trắng, già trẻ, đẹp xấu, giàu nghèo.. Tại sao chúng ta phải phân biệt? khi chẳng ai trong chúng ta hoàn hảo. Và nếu chúng ta – những người Việt Nam ghét Trung Quốc thì một số người ở các nước Phương Tây đang ghét ta, vì tưởng ta là người Trung Quốc, khi đó chúng ta sẽ hiểu cảm giác bi ghét, bị phân biệt là như thế nào.

Có rất nhiều Á đông bị ghét ở Mỹ vì tưởng lầm là người Trung Quốc: Malaysia, Hồng Kong, Việt Nam, Singapore, Nhật Bản.. Cuối cùng họ nghĩ người Á đông là những người mang đến dịch bệnh.

Phân biệt ai đó cũng là một xu thế gây ảnh hưởng nguy hiểm trong xã hội, những suy nghĩ sai lầm sẽ dẫn đến những quyết định sai lầm. Việc ghét thương, phân biệt, đổ lỗi cho người khác chẳng giúp ích gì cho chúng ta trong tình hình dịch bệnh còn đang hoành hành, thay vào đó tại sao chúng ta không gắng sức mà chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Sau đại dịch Covid-19, chúng ta sẽ rút kết được những bài học gì cho tương lai? kinh nghiệm gì để chiến thắng thử thách? Và chiêm nghiệm lại bản thân của mỗi chúng ta để cố gắng sống sót: khôn ngoan, nhẫn nại đến đâu, bền bỉ và kỷ luật như thế nào.

Nói chúng, năm 2020 vừa qua tôi cũng chẳng làm được gì nhiều, chỉ chiêm nghiệm được vài điều rút ra từ sau Covid-19 và hy vọng năm kế tiếp mọi thứ sẽ tốt hơn, chỉ cần được trở lại như ban đầu nhưng có thêm vài thay đổi khác phù hợp hơn, ích lợi cho môi trường và cộng đồng.

Còn cá nhân thì tôi nghĩ trong tương lai mình sẽ chọn các ngành nghề như các dịch vụ online, giao hàng tận nơi trong địa bàn thành phố. Vì không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo sau đó, thế nên tôi đút kết lại kinh nghiệm sau Covid-19 là chọn công việc mà không cần nhiều đến giao tiếp và nỗ lực hết mình trong công việc ấy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

duhocsunny-register-form

Đăng ký tư vấn thông tin du học

Tổng đài 024.7777.1990
Hotline Hà nội 096.699.4895 HCM 039.372.5155
duhocsunny-call
duhocsunny-contact-form